LIỆU VIỆC SỬ DỤNG ĐIỆU BỘ ĐỂ ĐIỀU KHIỂN SẼ LÀ TƯƠNG LAI CỦA CÁC THIẾT BỊ IOT?

Với sự phổ biến ngày càng tăng của các thiết bị tiêu dùng IoT (Internet of Things), như các thiết bị thông minh đeo người (wearable) và các vật dụng gia đình thông minh, nhu cầu cải tiến cách thức người dùng tương tác với các thiết bị này ngày càng tăng. Có nhiều cách tương tác khác nhau, và mỗi cách lại có những ưu khuyết điểm riêng.

Ví dụ: các loa thông minh, như Amazon Echo, Google Home, hay gần đây là HomePod của hãng Apple, lấy giọng nói của người dùng để điều khiển thiết bị. Thật ra đây là một đặc điểm mà hầu hết các điện thoại thông minh hiện nay đang có, từ “cô trợ lý ảo” Siri của Apple đến trợ lý ảo thông minh do Google phát triển Google Assistant, đến Cortana, trợ lý ảo của của Microsoft. Người dùng các sản phẩm này có thể thấy, việc điều khiển bằng giọng nói có thể hoạt động khá tốt nhưng có khi hầu như không sử dụng được.

Một lựa chọn khác là sử dụng màn hình cảm ứng để tương tác với các thiết bị IoT. Đó có thể là màn hình điện thoại thông minh của người dùng, nhưng một số thiết bị, như đồng hồ thông minh, có màn hình hoàn toàn khác biệt. Rắc rối ở chỗ, những màn hình cảm ứng này có khi rất nhỏ và khó có thể thao tác một cách hiệu quả. Việc điều khiển bằng giọng nói cũng như điều khiển điện thoại thông minh không phải là những giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này. Điều này đưa con người đến một lựa chọn hoàn toàn mới: hình ảnh cử chỉ của bàn tay (touchless gesture).

Không chạm vào thiết bị!

Các kỹ sư từ phòng thí nghiệm đặc biệt của Google ATAP (Advanced Technology and Projects) đã dành vài năm để phát triển dự án Soli, một giải pháp tích hợp cho việc điều khiển bằng động tác tay mà không chạm vào thiết bị cho các thiết bị thông minh đeo người và các thiết bị khác. Soli sử dụng sóng radar tần số cao (60 GHz) để cảm nhận những cử động của bàn tay, những cử động này có thể được điều hướng đến một số chức năng nhất định. Để hiểu hơn về cách hoạt động này, các bạn có thể xem đoạn video ngắn sau về Soli:

Các chuyên viên thiết kế trong dự án Soli đã tạo ra một số thao tác mà họ gọi là các công cụ ảo, đó là các hành động trực quan cung cấp phản hồi xúc giác đáp ứng người dùng. Ví dụ: bằng cách nhấn ngón tay trỏ vào đầu ngón tay cái, bạn có thể mô phỏng hành động nhấn một nút ảo. Hoặc, người dùng có thể xoa ngón trỏ lên ngón cái để mô phỏng việc quay số ảo. Và, với Bộ Phát triển Phần mềm của Soli (SDK), các chuyên viên thiết kế có thể mở rộng dựa trên những cử chỉ này để phù hợp cho các ứng dụng của riêng họ.

Mặc dù Soli vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng có khá nhiều ứng dụng thú vị đã được thử nghiệm (dưới đây là video của một số dự án phát triển). Với các yếu tố hình dáng nhỏ và năng lượng thấp, Soli đặc biệt được tùy chỉnh dành cho các thiết bị IoT.

Bên cạnh việc sử dụng Soli để điều khiển những chiếc đồng hồ thông minh, người ta có thể dễ dàng mường tượng ra cách sử dụng cử chỉ để tương tác với các ứng dụng thực tế ảo hoặc tăng cường thực tế ảo, chẳng hạn như điều hướng một menu ảo. Các thiết bị gia đình thông minh cũng có thể phù hợp với dự án Soli – đơn cử như việc bạn có thể bật hoặc tắt đèn chỉ bằng một cái búng tay.

Đối với các nhà phát triển IoT, các cử động tay mà không chạm vào thiết bị trao cho họ một cơ hội để cân nhắc lại cách thiết kế giao diện người dùng. Không có câu trả lời đúng hay sai ở đây – đây chỉ là một bức tranh sơn dầu còn trống cho những ý tưởng sáng tạo. Mặc dù chỉ có thời gian mới biết việc sử dụng các điệu bộ bàn tay này có là một phương pháp mới mang tính cách mạng hay không, hay đơn giản chỉ là một mánh lới quảng cáo, thiết nghĩ các kỹ sư IoT vẫn nên suy nghĩ về cách làm thế nào phương pháp này có thể được kết hợp vào thiết bị của họ. Suy cho cùng thì, bạn chẳng thể nào gặp được mỏ vàng mà không cần phải mất công đào bới, phải không?

Nguồn: engineering.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *