PHÂN TÍCH BIG DATA VÀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO SẼ ĐÓNG VAI TRÒ NHƯ THẾ NÀO TRONG TƯƠNG LAI CỦA SẢN XUẤT TINH GỌN?

Ý kiến chuyên gia: Larry Fast của Lean Leadership nói rằng, ngành sản xuất đang ở trên đỉnh cao, và sẵn sàng cho một thời kỳ hoàn toàn mới. “Sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta tham gia vào quá trình này”.

Câu hỏi: Bạn nghĩ trong tương lai, phân tích big data và trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò như thế nào trong Sản xuất Tinh gọn?

Trả lời: Chà, câu hỏi này thật mới mẻ. Thật ra tôi cũng chưa suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Ban đầu khi đọc câu hỏi, suy nghĩ của tôi chính là: “Làm thế nào mà tôi có thể biết được chứ? Tôi đã gặp đủ rắc rối với những vấn đề quái gở như phân tích big data, trí thông minh nhân tạo, Internet of Thing, và hàng tỷ thứ khác!”. Nhưng sau đó, tôi đã có một cuộc nói chuyện với John Shelby, một người bạn tốt của tôi sống ở Chicago, anh ta gần đây vừa mới hoàn thành bậc thạc sĩ ở Notre Dame với ngành phân tích. Tôi đã hỏi xem liệu anh ta có thể giải thích một cách đơn giản về vấn đề trên không. Anh ấy đã gửi tôi link một bài nghiên cứu của McKinsey, trong đó họ xem xét lại những dự đoán của họ vào năm 2011 về việc những công nghệ nêu trên sẽ tác động như thế nào tới ngành bán lẻ, chuỗi cung ứng, ngành chăm sóc sức khỏe và cả ngành sản xuất.

Bài báo mà John gửi đã giúp tôi hiểu cặn kẽ sự khác biệt giữa triết lý vận hành sản xuất “tắt đèn” (lights out manufacturing) và trí tuệ nhân tạo. “Tắt đèn” là một trạng thái vận hành tiên tiến, nơi mà mọi thứ được vận hành tự động, không cần sự can thiệp của con người, ví dụ như “robot”. Điều này đã được thực hiện một cách khiêm tốn ở một số nhà máy trong những năm gần đây, và vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Thực tế, những máy móc này vẫn còn phải chịu sự lập trình của con người, vì thế nó mang theo cả những điểm thiếu hiệu quả của con người.

Về phần Trí tuệ nhân tạo, mặt khác, máy móc hoàn toàn có thể tự học được cách tối ưu hóa hiệu năng của chúng, và có thể thực hiện những công việc phức tạp với tốc độ ánh sáng. Chúng có thể dễ dàng xác định quy trình tốt nhất và tự học để đạt được hiệu quả như mong đợi. Ở một viễn cảnh xa, tôi nghĩ cuối cùng, AI sẽ trở thành ứng cử viên nặng ký trong nhà máy, khi có các nền tảng ERP (hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) mới hoàn thiện hơn. Có lẽ còn khoảng một hay vài thập kỷ nữa, chuyện này mới thành sự thật. Nhưng trước hết, hãy tưởng tượng rằng, các công ty sản xuất có thể đạt được quy trình 6 sigma (một hệ phương pháp cải tiến quy trình dựa trên thống kê, nhằm giảm thiểu tỷ lệ sai sót hay khuyết tật tối đa, tỷ lệ sai sót chỉ 0.0003%), đảm bảo chất lượng tốt nhất, mọi lần khi khách hàng yêu cầu. Nếu công ty bạn là một trong những công ty đầu tiên đạt được đột phá kiểu này, thì nó xứng đáng đến mức nào trong việc thị phần tăng trưởng trên thị trường, chi phí thấp, dịch vụ hoàn hảo, ngưỡng vận hành và giá trị cổ đông?

Điều này có vẻ giống như bộ phim Star Wars phóng đại với tôi. Viễn cảnh này có thể cần một hoặc nhiều thập kỷ hơn nữa, để trở thành hiện thực. Điều mà tôi muốn biết là: Liệu những công nghệ này có được áp dụng vào những lĩnh vực thân thuộc với tôi không? Ví dụ như trong nhà máy hay ở công xưởng? Những công ty dẫn đầu thị trường về mảng sản xuất có thể làm được gì với những ý tưởng này, và làm sao để áp dụng chúng trên một cơ sở thực tiễn?

Với những thắc mắc đó, tôi và John có một buổi thảo luận khác về những chủ đề này. Anh ấy chỉ ra rằng phân tích big data đã bắt đầu từ cách đây vài thập kỷ rồi, và nó vẫn còn tiếp tục phát triển, cùng với những thiết bị lưu trữ ngày một rẻ, phổ biến và dường như không gặp một trở ngại nào để phát triển thêm. Đó là khoảnh khắc mà tôi nhận ra rằng những vấn đề với big data hay IoT đều chỉ liên quan đến những suy nghĩ lạc hậu trong việc lập trình các hệ thống ERP.

Các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục chi hàng triệu đô la một cách lãng phí, để mua những hệ thống ERP “đời mới” nhưng vẫn vận hành bằng các tư duy và cách thức truyền thống. Hơn nữa, định dạng báo cáo, với cách thức tư duy cũ, không được cấu trúc để có những thông tin thời gian thực, nhanh chóng. Tại sao không đơn giản là, kết nối hệ thống ERP với một PLC máy (thiết bị điều khiển lập trình được), và cung cấp dữ liệu thời gian thực? Hoặc là chúng ta cần một hệ thống thứ cấp, thường không được tích hợp với bất cứ thứ gì, để giúp những công nhân ở công xưởng làm việc hiệu quả hơn, quản lý công việc từng giờ, từng phút?

Một bản báo cáo về các dữ liệu đã xảy ra hoàn toàn không có giá trị với quy trình sản xuất. Chúng ta không thể sửa chữa những sai lầm của ngày hôm qua, của tuần trước, tháng trước – hay thậm chí là của ngay một tiếng trước. Chúng ta cần phải biết liệu chúng ta có hoạt động hiệu quả trong mức chi phí cho phép hay không. Tôi ước rằng tôi luôn có thể theo dõi mọi ngóc ngách của xưởng, và sẵn sàng cho mọi biến cố. Những hệ thống ERP trong tương lai sẽ trông như thế nào và hoạt động ra sao nhỉ?

Nghĩ đến điều này thật sự căng não, vì những khả năng là vô tận. Chúng ta sẽ sử dụng những công nghệ hiện đại như thế nào trong ngành sản xuất ở vài năm tới nhỉ? Những công nghệ tiên tiến và ứng dụng của chúng sẽ là bước đại nhảy vọt tiếp theo trong ngành sản xuất, một sự phân hóa sâu sắc sẽ xảy ra, có những công ty sẽ bước lên vị trí hàng đầu và có những công ty sẽ lụi tàn phía sau.

Tôi hy vọng độc giả sẽ nhìn thấy được viễn cảnh này, và háo hức như tôi bây giờ. Nó sẽ mở ra một cuộc tranh luận gay gắt trong mỗi công ty, xem rằng liệu đã đến lúc bắt tay vào công cuộc thay đổi hay chưa. Nhưng dù gì thì, hiện nay là thời điểm thích hợp, cho ban quản lý các cấp theo dõi thường xuyên về các công nghệ này, tạo dựng các mối quan hệ với những chuyên gia trong ngành, và lên chiến lược để trở thành một trong những công ty đầu tiên tăng tốc, tận dụng sớm sức mạnh của những công nghệ này – nếu có thể, cùng nhau phát triển các công nghệ mới. Một số nhà sản xuất có tiếng như Rockwell, GE và Siemens đã bước vào cuộc chơi. Thành thật mà nói, những người bạn làm bên mảng phần mềm của chúng ta, cần những người chuyên môn về sản xuất để tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ. Sẽ rất là sai lầm, nếu họ cho ra mắt những sản phẩm công nghệ mới, và không tham khảo ý kiến từ chúng ta. Viễn cảnh này đáng để mong chờ đúng không?

Thú vị thay, tôi mới trở về từ hội nghị Quốc tế AME (Association for Manufacturing Excellence  – Hiệp hội Sản xuất Ưu tú) ở Boston, và có một cuộc nói chuyện tuyệt vời với người đại diện công ty MCA Connect. Tôi đã bị cuốn hút vào gian hàng của họ, khi tôi thấy dòng chữ: “Giọng nói của Hệ thống vận hành”. Họ đang làm việc với Microsoft để thiết kế một hệ thống cho phép chia sẻ dữ liệu dễ dàng, ví dụ như nó có thể cho phép bạn chuyển đổi mọi dữ liệu truyền thống từ bất kỳ hệ thống ERP nào, thành dữ liệu sản xuất tinh gọn, và gán nó vào đúng trường trong phần mềm ” Dynamics 365 for Finance and Operations ” của họ, với một kiến trúc tinh gọn.

 

Tôi đã hỏi một vài câu hỏi để làm rõ những tính năng chưa được xem xét đến. Thực tế là, hệ thống mà họ cho tôi xem mới chỉ được làm một cách vội vã cho kịp hội nghị AME. Nhưng dù sao, nó cũng vẫn rất hứa hẹn. Tôi đã hỏi xem những thông tin bị loại ra, OEE, v.v.. và xem một bảng điều khiển với quy luật đánh màu rõ ràng. Tôi đã kiểm tra một số vấn đề hiện có trong dữ liệu OEE, và thấy rằng những vấn đề bảo trì cụ thể được xác định rõ ràng. Thật là phi thường. Ồ đúng rồi, chúng ta sẽ cần phải thêm một thuật ngữ mới vào vốn từ vựng, cái gì đó kiểu như IIoT, Industrial Internet of Things – IoT của công nghiệp.

Sự phấn khích của tôi lắng xuống, khi tôi nhận thấy rằng: Trong khi tiềm năng là gần như vô tận, nhưng để trở thành hiện thực đúng nghĩa, thì những nhà phát triển phần mềm ERP phải bắt kịp với xu hướng này. Tại sao? Bởi vì, nếu bạn sử dụng những công cụ hiện đại này với một ERP không đúng chuẩn, những dữ liệu đầu vào sẽ nhanh chóng biến thành những thông tin đầu ra sai lệch hoàn toàn. Chương trình ERP cần thiết phải được thiết kế lại và dọn đường cho cuộc cách mạng với cách tiếp cận mới hoàn toàn này. Thực ra thì, bạn có thể thắc mắc rằng tại sao những chương trình hỗ trợ này lại cần thiết, khi hệ thống ERP có thể cung cấp những khả năng tương tự? Trong bất kỳ trường hợp nào, cho tới khi chương trình ERP phá vỡ được cái mô hình lâu đời của mình, và bắt kịp những xu hướng về sản xuất tiên tiến, chúng ta sẽ còn cần những công cụ hỗ trợ để đạt được những tiến bộ tiềm năng hiển nhiên.

Vâng, tôi biết, mọi thứ có vẻ vẫn còn trong tưởng tượng như bộ phim Star Wars. Nhưng sau đây là một số thông tin tôi gặt hái được từ gian hàng của MCA Connect:

– 79% các công ty đã bắt đầu tiếp cận IoT.

– 44% các nhà sản xuất đã xác định được chiến lược điện tử.

– 47% tin rằng mô hình kinh doanh của họ sẽ lỗi thời trong 3 năm.

– 89% cho rằng trải nghiệm khách hàng là nền tảng cho cạnh tranh.

Tôi thắc mắc không biết bao nhiêu trong số chúng ta sẽ sẵn sàng, khi thế giới Star Wars trở thành hiện thực trong vài năm sắp tới. Lúc đầu, chỉ cần nghĩ đến điều này cũng làm tôi đau đầu. Nhưng khi càng nghĩ đến những cơ hội sắp tới, tôi dần trở nên hứng thú và lạc quan với viễn cảnh thời kỳ mới cho ngành sản xuất. Sẽ là khôn ngoan, khi chúng ta chấp nhận và ủng hộ cho cuộc cách mạng.

“Những ai mà luôn nói chuyện đó là không thể, cần phải tránh đường cho những người đã làm được chuyện đó bước đi tiếp” – Joel Barker, Nhà văn theo chủ nghĩa vị lại.

* Larry Fast là nhà sáng lập và chủ tịch của “Pathways to Manufacturing Excellence”, có kinh nghiệm 35 năm trong ngành dây điện và cáp. Ông ấy là tác giả của “The 12 Principles of Manufacturing Excellence: A Leader’s Guide to Achieving and Sustaining Excellence.” – tạm dịch: “12 quy luật dẫn tới sự ưu tú trong sản xuất: Cẩm nang để đạt được và duy trì sự xuất sắc dành cho các nhà quản trị”

Nguồn: industryweek.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *